Giỏ hàng
Tổng Hợp Các Sai Lầm Thường Gặp Khi Cho Trẻ Ăn Dặm

Tổng Hợp Các Sai Lầm Thường Gặp Khi Cho Trẻ Ăn Dặm

Ngày: 12-09-2018 đăng bởi: Đoàn Phi Yến


Có rất nhiều quan niệm lẫn kinh nghiệm được các mẹ bỉm sữa truyền tai nhau để chăm cho bữa ăn của con thật phong phú và giàu chất dinh dưỡng. Nhưng trên thực tế có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển và dinh dưỡng của bé, có cách phù hợp với bé này nhưng lại không đúng với em bé kia. Nhiều  khi những hiểu biết chưa cặn kẽ của bố mẹ có thể dẫn đến những cách chăm nuôi con sai lầm làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.

Dưới đây là các trường hợp cùng với các câu hỏi thường gặp khi cho bé ăn dặm các mẹ có thể tham khảo  ở đây, bạn có thể tìm được câu trả lời cho những thắc mắc về cách cho ăn của bé tại đây

Váng sữa rất nhiều chất dinh dưỡng cho trẻ?

Sự thật là: Váng sữa sự thật chỉ là một loại đồ ăn phụ có kem mà thôi. Không những thế, kem dùng trong các loại váng sữa sau khi đã qua các khâu chế biến thì cũng không còn tốt cho sức khỏe, nhất là khi thêm đường, muối, chất làm đông, chất bảo quản.

Váng sữa có thể làm trẻ tăng cân nhưng là tăng theo kiểu béo phì, chứ không phải là cứng cáp, khỏe mạnh. Nếu mẹ muốn dùng váng sữa cho bé, chỉ nên dùng với bé trên 1 tuổi.

Cha mẹ hãy chỉ xem váng sữa như một món ăn phụ cho bé, thi thoảng mới ăn chứ không nên xem đó là một loại thức ăn bổ dưỡng để làm bữa phụ hàng ngày cho bé 

Trẻ ăn dặm nhiều thì mới tăng cân?

Sự thật là: trẻ từ 6 – 12 tháng nguồn dinh dưỡng chính vẫn là sữa, dù giai đoạn này bé tăng cân chậm có thể làm bố mẹ lo lắng và cố ép bé ăn dặm nhiều hơn nhưng điều đó là không nên. Ép bé ăn nhiều để tăng cân trong giai đoạn này sẽ gây những tổn thương cho hệ tiêu hóa của trẻ và khiến trẻ biếng ăn, sợ ăn

Sau 1 tuổi, nếu bé uống sữa nhiều, ăn dặm ít lại là một vấn đề vì lúc này dinh dưỡng chủ yếu bé nhận được là từ thức ăn, chứ không phải từ sữa. Nhiều bố mẹ có quan điểm rất sai lầm là trước 1 tuổi thì cố gắng bắt con ăn dặm thật nhiều, uống ít sữa để bụng còn ăn. Nhưng sau 1 tuổi bé biếng ăn, chán ăn, chỉ uống sữa thì chặc lưỡi sữa cũng đủ dinh dưỡng cho con. Và có những em bé 3, 4 tuổi vẫn dinh dưỡng chính là sữa bột, không chịu ăn. Đó là sự đảo ngược hoàn toàn quy luật dinh dưỡng mà cơ thể bé có thể tiếp thu, gây rối loạn dinh dưỡng cho bé. Hãy bình tĩnh. Ăn dặm là một quá trình ảnh hưởng đến cả khẩu vị và niềm yêu thích của bé cả cuộc đời. Bạn có 6 tháng để tập cho bé ăn dặm, hãy cho bé ăn ít để sau này bé sẽ ăn nhiều và ăn ngon..

Em bé không biết thế nào là đói, no?

Sự thật là: từ lúc mới sinh ra, bé đã biết khi đói thì phải khóc to lên thì mới được cho bú. Càng lớn, khả năng nhận biết đói no của bé càng tăng lên, chứ không hề mất đi. Chỉ khi bố mẹ bắt con ăn quá nhiều so với khả năng của con, ép con ăn quá nhiều khiến con chán ăn, sợ ăn và mất cảm giác đói, ngon miệng. Còn những em bé bình thường với sức khỏe ổn định hoàn toàn có đủ khả năng để nhận biết khi nào thì đói và cần phải đòi ăn. Tương tự như vậy, lúc no, bé cũng sẽ nhất quyết từ chối ăn tiếp.

Em bé không có răng không nhai được?

Sự thật là: Các bé 6 tháng bắt đầu ăn dặm có thể chưa có răng hoặc chỉ có 1-2 cái. Tuy nhiên, lợi của bé khác với lợi của người già đã rụng hết răng, lợi của bé cứng cáp chứ không mềm như lợi người già. Bởi lẽ bên dưới lợi của bé đã có mầm răng, chỉ là chưa nhú lên mà thôi. Vì vậy, lợi của bé rất lợi hại trong việc nghiền thức ăn. Nếu bạn không tin, hãy hỏi cảm giác của những bà mẹ bị bé cắn ti lúc bé bú. 

Tuy nhiên, lợi của bé có thể nhai được nhưng cũng rất khó cho bé xử lí thức ăn cứng và dai, có thể làm tổn thương lợi. Bố mẹ nên chọn thức ăn có độ cứng và dai phù hợp với bé để giúp bé học kĩ năng nhai dễ dàng, nhanh hơn. Bố mẹ nên nấu thức ăn hơi kĩ một chút để thức ăn có thể mềm hơn đế bé dễ nghiền thức ăn hơn. Các thực phẩm dai như thịt bò, thịt lợn, bố mẹ nên băm nhỏ, làm thịt viên thì bé sẽ dễ nhai hơn.

Ăn thô sớm sẽ đau dạ dày?

Mọi người thường sợ trẻ ăn thô sớm sẽ đau dạ dày vì bé chưa biết nhai

Sự thật là: tiêu hóa thức ăn là một quá trình rất phức tạp và có nhiều cơ quan trong cơ thể tham gia vào chứ không chỉ mỗi dạ dày. Việc bé chưa nhai được kĩ thức ăn nhưng đã nghiền và đảo thức ăn trong miệng, nước bọt tiết ra đã hỗ trợ quá trình tiêu hóa một phần rất lớn và quan trọng.

Nước bọt có các chứa các enzym đặc biệt giúp tiêu hóa một phần các loại thức ăn như tinh bột và hỗ trợ dạ dày tốt hơn. Nếu bé ăn đồ ăn nhuyễn quá lâu, không hề đảo thức ăn trong miệng mà chỉ nuốt thì miệng không tiết ra nước bọt, quá trình tiêu hóa ở dạ dày có thể sẽ lâu hơn. Vì vậy, việc ăn thô sớm không những không làm đau dạ dày mà còn hỗ trợ dạ dày tốt hơn.

Tuy nhiên khi các bố mẹ chuẩn bị thức ăn thô cho bé cũng nên có độ mềm và dai hợp lí để bé có thể dễ dàng nghiền thức ăn. Và nếu bé chưa biết nhai và chưa nhai kĩ thức ăn trước khi nuốt  thì  phân em bé  lổn nhổn có cả những miếng thức ăn thì bố mẹ cũng không nên quá lo lắng. Đó là do hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện, chưa thể tiêu hóa hết toàn bộ thức ăn nạp vào và đào thải ra. Điều này chứng tỏ dạ dày không hề làm việc quá sức, nó đã đào thải những miếng nó không thể tiêu hóa được.

Phải cho bé ăn tổ yến, vi cá, thịt cóc, sữa ong chúa… thì mới đủ chất?

Sự thật là: đây là những loại thực phẩm rất bổ dưỡng, có độ đạm rất cao. Trong khi đó, lúc mới tập ăn dặm bé cần quen với việc ăn dặm và tập tiêu hóa thức ăn. Những loại thức ăn quá bổ dưỡng, độ đạm quá cao có thể khiến cơ thể bé bị quá tải, rất nguy hiểm. Khi bé đang trong thời kì ăn dặm, tức là trước 18 tháng, bố mẹ không nên cho bé ăn các loại thức ăn này.
Ngoài ra, các thực phẩm này không phải là những thực phẩm phổ biến và cũng chưa có liều lượng hợp lý khuyến cáo hợp lí cho bé. Các bố mẹ chỉ cần đảm bảo một chế độ dinh dưỡng cân bằng cho bé và tôn trọng lịch trình ăn dặm của bé, bé sẽ không cần phải bổ sung thêm bất kì thực phẩm đặc biệt nào.

Phải bổ sung cốm và các thuốc kích thích ăn uống cho trẻ?

Sự thật là: chưa có một tổ chức y tế nào khuyến cáo, chứng minh cốm và men tiêu hóa cho trẻ em có hiệu quả cả. Các loại men tiêu hóa thực chất là các men để tiêu hóa thức ăn. Nếu bé dùng men tiêu hóa trong một thời gian dài, cơ thể sẽ trở nên lười biếng, dần dần sẽ ít tiết ra men để tiêu hóa thức ăn, phải phụ thuộc vào men tiêu hóa. Lúc đó, tình trạng chán ăn của bé lại càng trở nên tồi tệ hơn và mất khả năng tiêu hóa thức ăn. Vì thế, bố mẹkhông nên dùng các loại thuốc, cốm, men như là cách để bé ăn nhiều, ăn ngon. Ăn ngon, phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của cơ thể, không thể từ các loại chất bên ngoài. Vì thế, hãy cho bé vận động nhiều hơn, nấu những món ngon và trình bày hấp dẫn hơn, thay vì cho bé uống các loại bổ sung.

Dùng nước mía nấu cháo là tốt cho con?

Nhiều mẹ thường truyền tai nhau rằng dùng nước mía nấu cháo cho con vừa thanh, vừa mát lại giúp bé ăn ngon, nhanh tăng cân.

Sự thật là: trong mía có rất nhiều đường, dù là đường tự nhiên thì cơ thể bé cũng không có khả năng chuyển hóa hết tất cả lượng đường đó nếu như ăn cháo nấu từ nước mía hàng ngày. Hơn nữa, nước mía thường được dùng để uống liền như một loại hoa quả, việc dùng nước mía để nấu ăn khá mới mẻ và mạo hiểm, chưa có khuyến cáo từ bất kì cơ quan nào. Các em bé đang tập ăn dặm, hệ tiêu hóa còn rất non nớt, bố mẹ tuyệt đối không nên mạo hiểm áp dụng những cách nấu ăn hay món ăn lạ mà chưa rõ lợi hại như thế nào.

Bé bị tiêu chảy phải kiêng đồ tanh?

Sự thật là: Chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về việc ăn tôm cua cá  khi bị tiêu chảy. Khi bé bị tiêu chảy, bố mẹ chỉ nên kiêng ăn đồ ăn nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ, quá nóng, quá lạnh và thực phẩm đóng hộp, nước uống có gas, các loại hoa quả quá ngọt vì lúc này dạ dày của bé đang rất yếu, cần có thời gian để hồi phục. Tôm, cua cũng là các loại đạm khá khó hấp thu nên trong thời kì bé bị tiêu chảy bố mẹ có thể hạn chế nhưng cá là một loại đạm rất dễ hấp thu, bố mẹ nên tăng cường cho bé ăn cá trong thời kì bé bị tiêu chảy. Bên cạnh đó, bố mẹ nên cho bé ăn đầy đủ các chất, nhất là những thực phẩm dễ hấp thụ và giàu dinh dưỡng trong thời kì bé bị tiêu chảy để giúp bé mau bình phục và lưu ý chế biến đồ ăn sạch sẽ, nấu chín để đảm bảo an toàn cho bé. Một số loại thực phẩm giàu kali như táo, cà rốt, chuối, hồng xiêm rất thích hợp để bé ăn lúc bị tiêu chảy.

Thức ăn dặm nhạt quá bé ăn không ngon miệng?

Sự thật là: Ăn thức ăn không gia vị sẽ giúp bé cảm nhận được vị ngọt, mặn tự nhiên của thực phẩm tốt hơn để phát triển vị giác. Trẻ phát triển trí não thông qua các giác quan vì vậy phát triển vị giác tốt hơn đồng nghĩa với phát triển não tốt hơn.
Hơn nữa, lượng muối mà bé có thể tiếp nhận trong năm đầu tiên trong đời là rất rất thấp, việc ăn thức ăn có nêm thêm mắm muối có thể gây quá tải cho cơ thể bé. Điều này có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe cho bé về sau này. Việc bé chán ăn, không ăn là bởi vì nhiều nguyên nhân khác nhau không phải do nhạt. Đôi khi việc bố mẹ nêm gia vị có thể khiến bé thấy lạ miệng và ăn nhưng việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển vị giác. Vì thế, tốt nhất là trong năm đầu đời, bố mẹ không nên nêm thêm thêm muối vào đồ ăn cho bé, từ năm thứ hai có thể nêm một chút nhưng vẫn nên cho bé ăn nhạt hơn so với khẩu vị bình thường của gia đình. 

Hãy gọi cho chúng tôi nếu bạn vẫn chưa có bảo mẫu chăm sóc bé tại nhà!

Bảo Nam giải đáp thắc mắc và hỗ trợ thông tin cho mẹ và bé miễn phí, nếu bạn có câu hỏi cần giải đáp, đừng ngần ngại, Hãy gọi cho chúng tôi nhé: 028 73006810

Massage bầu tại spa

Y tá tắm bé sơ sinh tại nhà

Liên hệ:

Công ty TNHH Dịch Vụ Bảo Nam
Doanh nghiệp đầu tiên tiên phong tại Việt Nam về dịch vụ chăm sóc mẹ và bé sau sinh tại nhà
Địa chỉ: 419/18 Cách Mạng Tháng 8, Phường 13, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 73006810
Hotline: 0917 526 637 (Mrs. Hường) -- 0911154637 ( Ms. Tươi)


079.581.8637